Trần giả sành điệu cho nhà cá tính

Ngược lại với sự e ngại của nhiều người, thực hiện một trần giả là công tác khá đơn giản, và cũng không hề tốn kém.

Trần giả là một yếu tố kiến trúc/ nội thất rất phổ biến trong các công trình công cộng, nhưng trong nhà ở cá nhân, mãi đến thời gian gần đây, trần giả mới bắt đầu nhận được sự quan tâm, tuy rằng sự quan tâm này vẫn còn sơ sài so với những tác dụng lớn lao mà trần giả đem lại cho không gian nội thất.

trannha8

Thực tế cho thấy, trần là bề mặt rất lớn trong một không gian, nhưng đôi khi ta lại đơn giản hoá tầm quan trọng của trần. Cách xử lý phổ biến nhất là sơn một lớp sơn, thông thường là màu trắng, rồi ta chẳng mấy khi ngó ngàng gì đến nữa. Đó là điều không thể chấp nhận, nếu như ta thật sự muốn có một không gian cá tính, cho dù ta yêu thích trường phái “tối giản”, thì trần cũng phải được thể hiện vai trò quan trọng của nó trong không gian.

Ngược lại với sự e ngại của nhiều người, thực hiện một trần giả là công tác khá đơn giản, và cũng không hề tốn kém, nếu như không sử dụng các loại vật liệu đặc biệt.

Nhưng trước tiên, ta cần tìm hiểu xem trần giả là gì. Trần giả là một lớp trần thứ hai, nằm dưới trần nhà nguyên thuỷ. Trần giả thường được cấu thành từ những vật liệu nhẹ, liên kết vào một hệ kết cấu, và bản thân hệ kết cấu này sẽ được liên kết vào kết cấu chính của không gian (sàn, dầm…) Tại Việt Nam, đối với nhà ở, hình thức trần giả được sử dụng phổ biến nhất hiện nay (do yếu tố kinh tế và thi công đơn giản) là tấm thạch cao treo trên hệ khung bằng nhôm. Tuy nhiên, còn rất nhiều lựa chọn khác cho trần: gỗ, nhôm, PVC… tuỳ thuộc vào yêu cầu và ngân sách để đưa ra lựa chọn phù hợp.

Công dụng của trần giả

Trần giả góp phần rất tích cực trong việc đem lại cá tính cho không gian nội thất. Tuỳ vào hình dạng, độ cao, màu sắc, cách thức bố trí chiếu sáng… của trần giả mà ta có thể có được những khung cảnh khác nhau cho không gian nội thất.

Nếu không gian phòng khách của bạn quá cao, trần giả sẽ giúp làm giảm chiều cao xuống và từ đó, giúp bạn có một phòng khách ấm cúng hơn.

Việc bố trí các đèn chiếu sáng âm trần trong phòng ngủ sẽ giúp bạn có được một ánh sáng dịu mắt, phù hợp cho việc thư giãn và nghỉ ngơi.

Chỉ cần một chút thay đổi về chiều cao trần, bạn có thể phân định ranh giới giữa các không gian nội thất mà đồng thời vẫn giữ nguyên sự liên tục về mặt thị giác giữa các không gian này nếu cần thiết (rất hay áp dụng cho không gian phòng khách và phòng ăn).

Trần giả còn có tác dụng cách âm, cách nhiệt, giấu các đường ống kỹ thuật, là nơi bố trí chiếu sáng… cho không gian, giúp giảm thể tích phải làm mát hay sưởi ấm cho một không gian quá lớn.

Một vài lưu ý

Trước khi tiến hành đóng trần giả, đặc biệt là khi bạn đang tiến hành cải tạo một không gian cũ, cần phải đảm bảo rằng kết cấu chịu lực hiện tại có thể chịu được tải trọng của tấm trần và hệ khung treo trần.

Đối với điều kiện khí hậu Việt Nam, chiều cao trần tối thiểu của một không gian sinh hoạt nên nằm vào khoảng 2,7 – 2,8m tính từ sàn hoàn thiện, để có thể đảm bảo sự thông thoáng cho không gian.

Cần một khoảng trống tối thiểu 15cm giữa trần giả và trần nhà nguyên thuỷ để có thể bố trí chiếu sáng âm trần một cách thoải mái. Khi bố trí các đèn chiếu sáng âm trần (downlight, spot…), nên đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa các đèn này là 30cm để tránh tình trạng tập trung sức nóng tại một điểm, gây tổn hại cho cả hệ trần giả và trần nguyên thuỷ.

Đối với các công trình theo xu hướng hiện đại, khe treo rèm là một yếu tố quan trọng trên trần giả. Khe treo rèm nên có chiều sâu từ 12 – 15cm để vừa có thể che được thanh ray treo rèm, vừa thuận tiện cho các thao tác khi thay rèm. Chiều rộng của khe treo rèm tuỳ thuộc vào số lớp rèm cho mỗi cửa/ cửa sổ. Nếu treo một lớp rèm thì khe treo rèm nên rộng khoảng 15cm, và khi treo hai lớp rèm thì cần khoảng 20cm chiều rộng cho khe treo rèm.

Theo SGTT